Người tiêu dùng mua gạo trên thị trường. (Ảnh: Đình
Huệ/TTXVN)
Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng khu vực phía Nam có
xu hướng lựa chọn các sản phẩm gạo Campuchia hơn là gạo Việt. Vấn đề này liệu có
là một thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam hay không?
Để lý giải vấn đề này, phóng viên báo điện tử VietnamPlus
đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về
nông nghiệp. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thị hiếu người tiêu dùng
- Thưa Giáo sư, trong thời gian qua, trên thị trường, gạo
Campuchia đang được nhiều người tiêu dùng phía Nam ưa chuộng. Vậy đâu là lý do
khiến người tiêu dùng thích mua sản phẩm gạo Campuchia hơn là mua gạo Việt
Nam?
Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân: Người tiêu dùng lựa chọn
gạo Campuchia bởi vì gạo này ngon, thơm cơm. Hơn nữa, do chủ yếu mua qua biên
giới nên giá cũng “mềm.”
Ở Campuchia, họ trồng giống lúa Mùa, 6 tháng/vụ và một
năm chỉ có 1 vụ mùa, nên thời tiết thuận lợi hơn, ít sâu bệnh hơn, ít phải bón
phân và thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, thường những giống trồng dài ngày thì có
chất lượng ngon hơn giống ngắn ngày.
Trong khi đó ở Việt Nam, đất được tận dụng một năm 3 mùa
vụ, chủ yếu là giống ngắn ngày. Để cho năng suất cao, người nông dân còn sử dụng
nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Mặt khác, gạo Campuchia đã trở nên nổi tiếng trên thế
giới bởi 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương
hiệu để trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok (Thái
Lan).
Do đó, việc người dân “chuộng” gạo Campuchia là có, nhưng
chỉ những người có kinh tế khá giả người ta muốn ăn gạo ngon thì mới ăn gạo
Campuchia. Và tôi cho rằng họ ưa chuộng gạo Campuchia do họ cho rằng gạo lúa Mùa
an toàn hơn và cũng phụ thuộc thị hiếu của người tiêu dùng.
Sẽ xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
- Vậy theo Giáo sư, liệu rằng vấn đề này có đặt ra một
thách thức cho ngành lúa gạo Việt Nam hay không?
Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân: Nó cũng là một thách thức
nhưng thực sự đó là một sự đánh đổi. Bây giờ, nếu mình trồng giống kiểu như
Campuchia thì hỏi ai trồng. Bởi người nông dân Việt mình họ không thích trồng
giống lúa dài ngày, năng suất thấp.
Nông dân thu hoạch lúa ở Thái Bình. (Ảnh: Xuân
Tiến/TTXVN)
Việt Nam mình, không có ai trồng lúa một năm một vụ và
cũng không có ai trồng lúa chỉ đạt năng suất 3 tấn/ha. Việt Nam mình vẫn sản
xuất chạy theo sản lượng, một năm 3 vụ, mỗi vụ năng suất khoảng 4-6 tấn/ha. Như
vậy không thể nào có giống ngon được. Nếu có ngon thì cũng dẻo dẻo chút thôi chứ
không thể nào bằng gạo Campuchia được.
Nhưng so lại thì người nông dân Campuchia một năm sản
xuất chỉ được 3 tấn, trong khi người nông dân Việt Nam sản xuất được 12-15 tấn,
thậm chí hơn.
Nếu tính ra, giống Campuchia xuất khẩu được 800 USD/tấn
gạo, mỗi hécta họ sản xuất chỉ được khoảng 3 tấn/năm, xay ra gạo chỉ còn được
1,5 -1,8 tấn gạo thì mỗi năm được gần 1.600 USD/tấn gạo.Trong khi gạo Việt Nam
mình mỗi hécta sản xuất được 4-6 tấn, một năm ba vụ như vậy sẽ đạt khoảng 12-18
tấn/ha, mỗi tấn gạo Việt Nam mình có giá khoảng 450 USD. Tính ra thu nhập mình
cũng cao gấp mấy lần của Campuchia.
Mặt khác, các thị trường tiêu thụ gạo chính của Việt Nam
là Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Indonesia, Ghana, Bờ biển Ngà… Những thị
trường này cũng không có nhiều nhu cầu mua gạo giá cao, nên họ chuộng mua gạo
giá rẻ hơn. Vậy nên, mình vẫn sản xuất cung cấp chủ yếu cho các thị trường từ
trung bình cho tới thị trường thấp, với số lượng lớn.
- Hiện Việt Nam luôn thuộc tốp những nước xuất khẩu gạo
hàng đầu của thế giới, thế nhưng người tiêu dùng lại lựa chọn sản phẩm gạo nước
khác làm thực phẩm. Vậy theo Giáo sư có phải ngành lúa gạo Việt Nam đang có sự
thua kém so với các nước?
Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân: Nói như vậy không có nghĩa
là ngành lúa gạo Việt Nam mình thua kém lúa gạo các quốc gia khác. Các chủng
loại gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng có rất nhiều gạo ngon, chất lượng. Một số
loại gạo cao cấp như gạo giống ST, Jasmine, japonica…; gạo cấp trung bình như
gạo trắng hạt dài 5% tấm; gạo cấp thấp như gạo 25% tấm, gạo thơm các loại, gạo
nếp….
Về sản lượng, Việt Nam vẫn duy trì sản lượng lúa gạo xuất
khẩu hàng năm cao. Trung bình Việt Nam xuất khẩu 6-8 triệu tấn gạo/năm. Đây là
một thành tựu lớn của ngành lúa gạo.
Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đình
Huệ/TTXVN)
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nội địa đã tiến hành xây
dựng thương hiệu gạo cao cấp. Ví dụ như Công ty Gentraco với thương hiệu gạo
Ngọc Đồng, Tập đoàn Lộc trời với thương hiệu gạo Hạt ngọc trời, Công ty gạo Hoa
lúa với thương hiệu gạo sạch Hoa lúa…
Tuy nhiên, để tiến tới đưa gạo Việt Nam trở thành thương
hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng và an toàn thực phẩm, ngày 21/5/2015, Thủ
tướng chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt
Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng
đang xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thương hiệu gạo quốc gia để các doanh
nghiệp áp dụng. Xây dựng thương hiệu quốc gia đi cùng với chất lượng sản phẩm
đạt chuẩn thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tạo sự canh tranh
cao.
"Tư duy mới" trong sản xuất lúa gạo
- Vậy theo Giáo sư, làm sao để có thể tăng sức cạnh tranh
cho gạo Việt trước sức ép của các sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn hiện
nay. Đặc biệt, khi nước ta đang bước vào hội nhập?
Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân: Vấn đề bây giờ mình phải
làm thương hiệu gạo Việt Nam thì mới có thể cạnh tranh không chỉ trên thế giới
mà phải cạnh tranh ngay tại sân nhà.
Mình phải phổ biến giống của Việt Nam mình. Phải làm theo
chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà (nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông)
để cùng sản xuất. Nông dân hợp tác với nông dân, theo mô hình hợp tác xã kiểu
mới.
Bây giờ có hợp tác xã kiểu mới rồi thì mình phải có doanh
nghiệp đầu ra để gắn kết với hợp tác xã kiểu mới này. Theo đó, cán bộ đồng ruộng
của doanh nghiệp cùng với cán bộ khuyến nông của ngành nông nghiệp sẽ tập huấn
cho nông dân về sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt
(VietGAP).
Có hợp tác xã kiểu mới thì chúng ta phải có những nông
dân đổi mới, có tư duy mới trong sản xuất lúa gạo. Xóa bỏ tình trạng nông dân tự
làm theo tự ý mình theo kiểu “lão nông tri điền” mỗi người làm một kiểu không
đồng nhất, gây khó quản lý và hiệu quả thấp hơn. Từ đó hướng người nông dân theo
quy trình VietGAP vừa ít tốn kém, vừa ít sâu bệnh, chất lượng cao, vệ sinh an
toàn thực phẩm.
Khi mà nguyên liệu lúa được doanh nghiệp tiêu thụ với giá
phải chăng, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng, giá tốt, bảo đảm chất
lượng, có nhà máy cơ sở chế biến, đóng gói bao bì hiện đại thì ngành lúa gạo
Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tốt hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư./.
Vietnam+
0 nhận xét:
Đăng nhận xét