=> "đinh tặc" có thể bị xử tù 10 năm

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016
Hành vi rải đinh nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Những loại đinh cắt từ nhôm sắc nhọn được rải rác trên Đại lộ Thăng Long.

CSGT cũng là nạn nhân của “đinh tặc”
Vừa qua, người dùng facebooker Minh Quang chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện anh chứng kiến có người rải đinh trên Đại lộ Thăng Long, đoạn gần ngã 3 giao với Thiên đường Bảo Sơn (thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Nhiều người đã bị dính đinh, thủng săm phải dắt bộ hoặc bị xe ôm vá chặt chém với giá “cắt cổ”.

Theo khảo sát của phóng viên, ngày 21.8, tại đoạn đường facebooker Minh Quang miêu tả, xuất hiện một vài loại đinh như đinh vít, ốc nhọn nhưng nhiều hơn cả là miếng nhôm cắt nhọn. Nhiều người đi xe máy đã dính phải đinh và mang vào những điểm vá xe ven đường.

Ngày 22.8, lãnh đạo Công an huyện Hoài Đức cho biết, sẽ kiểm tra và làm rõ thông tin rải đinh trên Đại Lộ Thăng Long đoạn qua xã An Khánh.

Trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Đội CSGT số 1 Công an Hà Nội, đánh giá, việc các đối tượng rải đinh, vật sắc nhọn trên đường với mục đích gây hỏng xăm, lốp của các phương tiện tham gia giao thông nhằm kiếm lời từ việc sửa chữa là rất nguy hiểm. Hành vi này gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn tai nạn nghiêm trọng.

“Hậu quả từ hành vi rải đinh không thể lường trước, ví dụ xe máy đang di chuyển trên đường bất ngờ dính đinh gây ra hiện tượng nổ lốp khiến lái xe mất lái ngã ra đường, hay ô tô dính đinh bị xuống hơi đột ngột dẫn tới mất lái.

Những sự cố bất ngờ như vậy rất dễ xảy ra tai nạn liên hoàn và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Tôi cho rằng, hành vi rải đinh đáng bị lên án và cần phải xử lý nghiêm bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông rất cao.

Chính tôi từng suýt gặp tai nạn khi bánh trước xe ô tô của tôi dính đinh trên cầu Vĩnh Tuy. Rất may tôi vững tay lái nên không gây tai nạn”, thượng tá Quỹ cho hay.


Rải đinh bị phạt 6-8 triệu hoặc xử tù
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý) cho biết, theo Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới có hiệu lực, người có hành vi hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội cản trở giao thông đường bộ”.

Nhiều người đi xe máy đã bị dính đinh phải vào vá xe.

“Theo luật hiện hành, người nào có hành vi đặt trái phép chướng ngại vật, có thể hiểu là rải đinh hoặc vật sắc nhọn mà gây cản trở giao thông đường, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết nhiều người thì bị phạt tù tới 10 năm”, luật sư Kiên cho hay.

Theo Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý, trong thời gian tới, quy định về hình thức xử lý “đinh tặc” có thể thay đổi khi Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực.

“Bộ luật hình sự 2015 hiện đang được chỉnh sửa, chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, so với so với Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009, quy định về “Tội cản trở giao thông đường bộ” ở Bộ luật hình sự 2015 có nhiều điểm mới.

Cụ thể, theo Bộ luật hình sự 2015 sẽ quy định rất cụ thể các thiệt hại từ hành vi rải đinh của người phạm tội và tương ứng với nó là các mức áp dụng khung hình phạt. Việc này sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền thuận lợi hơn trong việc xác định vi phạm và xử lý.

Đặc biệt, ngoài hình phạt tù thì “đinh tặc” có thể bị phạt tiền lên đến 300 triệu đồng.
Tôi cho rằng, quy định xử lý “đinh tặc” trong Bộ Luật Hình sự 2015 là phù hợp với thực tiễn, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm vì hành vi này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng rất cao”, luật sư Kiên nói.

Thượng tá Quỹ cũng đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tiền với “đinh tặc” trong Bộ Luật Hình sự 2015 của luật sư Kiên, đồng thời cho rằng, cơ quan chức năng cần tuyên truyền giao dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về an toàn giao thông, xử lý nghiêm “đinh tặc” nếu phát hiện vi phạm.

Theo Xuân Lực (Dân Việt)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

About Us

Design by www.thietbikhinen.com