=> Kinh nghiệm lái xe đường đèo dốc

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016
Vài kinh nghiệm hữu ích đối với các tài xế có dự định đi du lịch tới các điểm ở miền núi

Đồng Văn, Y Tý, Thác Bản Giốc, Mộc Châu, Mù Cang Chải… là những điểm đến đầy hấp dẫn đối với các tay lái trong thời tiết cuối thu tuyệt vời này. Tuy nhiên, hành trình tới các địa danh nổi tiếng này đều có một điểm chung là phải vượt qua những cung đường đèo dốc cao và hiểm trở. Nhưng những cái tên như Thung Khe, Ô Quý Hồ, Khau Phạ, Quản Bạ, Mã Pí Lèng, đèo Giàng, đèo Gió là những cung đường đèo mà chỉ mới nghe danh thôi cũng đã đủ làm các tay lái mới e ngại. Tuy nhiên, sự đam mê du ngoạn là không có giới hạn với bất kì ai và những cung đường huyền thoại kia cũng không phải là những rào cản quá ghê gớm nếu các bạn lái xe cẩn trọng và chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm bổ ích.


Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, lái xe đường đèo dốc quanh co hoàn toàn khác với việc chạy xe trên các tuyến đường cao tốc - nơi mà bạn hầu như chỉ cần cầm chắc vô lăng và chạy với tốc độ tối đa theo quy định. Đặc trưng của đường đèo phía Bắc là các khúc cua liên tục, lên dốc cao vời vợi rồi lại đổ dốc sâu hun hút. Đường hẹp, các góc cua khuất tầm nhìn khiến bạn phải luôn tập trung tối đa vào con đường trước mặt nếu không muốn tai nạn bất ngờ xảy ra. Lên dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn nhiều. Đã có không ít những tay lái vốn rất tự tin vào khả năng lái như bay trên đường bằng phải ôm hận bởi một giây chủ quan lơ đễnh. Tuy vậy, cứ đi khắc đến, đường đèo dốc là nơi mà bạn sẽ thể hiện phẩm chất lái xe điềm tĩnh và chính xác của mình. Chắc chắn rằng, trình độ ôm vô lăng của bạn sẽ “cứng” dần sau mỗi khúc cua khó.

Trong chuyên mục tư vấn của mình, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm đúc rút được từ các tài già đã có hàng chục năm lăn lộn trên các tuyến đường Tây Bắc.

Từ khâu chuẩn bị:
Một chiếc xe tốt: Là một chiếc xe đã được kiểm tra kĩ hệ thống máy móc, các hệ thống nước làm mát, dầu máy, dầu trợ lực, dầu phanh, má phanh, hệ thống điện, đèn, còi… Một chiếc xe tốt không có nghĩa là bạn phải có một chiếc xe với động cơ khủng bởi trên thực tế, có tới 95% tuyến đường núi phía Bắc đã được nâng cấp đủ đẹp cho mọi loại xe du lịch từ to tới nhỏ. Một chiếc xe có động cơ chạy “lành” là rất quan trọng bởi sẽ vô cùng khó khăn để xử lý nếu xe bạn chẳng may xảy ra sự cố giữa đường đèo. Bên cạnh đó, xe của bạn cũng sẽ cần có một hệ thống phanh hoạt động trơn tru và hiệu quả bởi chẳng ai dám tưởng tượng điều gì nếu bạn đang đổ đèo mà hệ thống phanh lại không hoạt động. Bạn nên kiểm tra, bảo dưỡng và thay ngay má phanh mới nếu thấy má phanh có dấu hiệu xuống cấp.

Luôn kiểm tra xe trước khi đi xa

Bản đồ và GPS: Hầu như đa số các lái xe đều sẽ sử dụng thiết bị số di động như smartphone hay máy tính bảng để xem trước cung đường mình sẽ đi trên dịch vụ Google map. Tuy nhiên, Google map chỉ là một dịch vụ tiện ích dành cho toàn thế giới, rất chi tiết tại các đoạn đường đô thị nhưng rất sơ sài tại các cung đường xa xôi. Bên cạnh đó, dịch vụ 3G tại các tỉnh miền núi cũng khá “chập chờn”, bạn sẽ chả thể xem được gì nếu bị mất sóng 3G giữa lưng chừng núi. Lắp đặt một hệ thống bản đồ số như Vietmap trên xe là giải pháp hiệu quả nhất cho những ai không quen đường. Ngoài ra, hãy giắt vào lưng ghế một quyển bản đồ đường bộ do Cục đường bộ phát hành phòng khi các thiết bị điện tử không phát huy tác dụng.


Bản đồ số GPS sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong hành trình, đặc biệt là vào thời điểm trời tối, việc xác định hướng đi bằng mắt thường gặp khó khăn

Lập kế hoạch lộ trình và tham khảo đường sá: Do điều kiện địa lý và mật độ dân cư thưa thớt, các dịch vụ dành cho khác du lịch trên các tuyến đường phía Bắc cũng rất hạn chế. Dựa trên các thông tin thu lượm được từ những người đã đi trước đó, bạn hãy tự lập cho mình một lộ trình hợp lý cân đối giữa thời gian lái xe và các điểm dừng chân dọc đường. Lưu ý rằng khác với việc lái xe trên đường bằng, khoảng thời gian lái xe đường núi sẽ phải ngắn hơn do bạn phải tốn nhiều năng lượng hơn trên đường. Tốt nhất nên dừng nghỉ sau mỗi 100km lái xe đường núi. Dừng nghỉ trước khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi để đảm bảo an toàn. Cố gắng duy trì trạng thái sức khỏe tốt nhất khi lái xe đường đèo. Trước khi khởi hành, bạn hãy tham khảo thông tin của những người vừa đi trên tuyến đường dự định của bạn về chất lượng và tình hình đường sá.


Bằng cách tham khảo thông tin từ người đi trước, bạn có thể tránh được những đoạn đường xấu do đang thi công hoặc đường bị sạt lở...

Tới kỹ thuật chạy xe:

Vần vô lăng đúng cách: Do đặc thù đường miền núi rất nhiều khúc cua liên tục nên bạn hầu như phải liên tục làm việc với vô lăng. Ước lượng độ gấp của khúc cua để đánh lái vừa đủ là yếu tố quan trọng giúp cho chiếc xe chạy ổn định, không tròng trành và luôn nằm trên phần đường quy định. Đặc biệt lưu ý các tài xế hay có thói quen xoa vô lăng bằng 1 tay, điều này cực nguy hiểm khi chạy xe đường đèo bởi các khúc cua gắt đòi hỏi lực giữ vô lăng lớn hơn so với đường bằng. Nếu chẳng may tuột tay thì hậu quả thật khó lường. Nhiều bác tài còn có kiểu vần vô lăng đùn tay tí một, cách này cũng rất sai và gây khó khăn lớn khi phải xoay vần liên tục. Hãy nắm vô lăng ở vị trí 3 và 9 trên mặt đồng hồ để đảm bảo khi 2 tay trở về vị trí cân bằng thì đảm bảo chiếc xe của bạn đang ở trạng thái đi thẳng và bạn sẽ không bị mất phương hướng, vần vô lăng đan tay đúng kiểu thầy dạy tại trường lái xe là an toàn nhất.


Không thốc ga và phanh gấp: Trong chuyến đi từ thiện Sưởi ấm bản cao tại Bảo Lâm - Cao Bằng năm 
2014, với 2 chiếc xe bán tải như nhau, với 1 tài già và 1 lái mới đã cho kết quả tiêu thụ nhiên liệu khác hẳn nhau. Xe bán tải do một lái mới lần đầu chạy cung Tây Bắc đã tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn xe còn lại tới 60%, tức là hơn gấp rưỡi lượng nhiêu liệu tiêu tốn cho cùng một quãng đường, cùng thời gian hành trình. Tại sao vậy? Nguyên nhân nằm ở chân ga và chân phanh. 

Với những cung đường đèo dốc ngoằn nghèo, việc cố gắng tăng tốc ở những đoạn thẳng là vô nghĩa bởi khi bạn vừa mới đạt tốc độ tương đối thì lại phải phanh dúi dụi khi vào cua gấp rồi ngay sau sau đó lại phải đạp mạnh ga trở lại bởi khi phanh quá mạnh, xe bạn đã bị thất tốc và không còn đà khi thoát khỏi khúc cua. Dù chạy giật cục như vậy nhưng xe của lái mới cũng không tài nào đuổi kịp xe đi trước. Quan sát xe của tài già chạy trước thì thấy, lái xe chạy tốc độ vừa phải, trước khi vào cua hầu như không thấy phanh mà chỉ giảm ga, xe còn khá nhiều đà sau khi thoát cua nên chỉ cần đạp nhẹ ga là xe đã trở lại tốc độ cần thiết. Đi hàng trăm km mà chỉ phanh vài lần, đó chính là điều khác biệt cơ bản của kĩ năng lái xe. Ngoài việc tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, chạy xe đúng cách còn giúp hành khách trên xe bớt mệt mỏi hơn nhiều so với cách chạy giật cục của lái mới. Đi chơi mà tới nơi hành khách mệt rũ ra như ốm thì chắc chắn giá trị chuyến đi sẽ giảm rất nhiều.

Duy trì tốc độ ổn định: 
Như đã trình bày ở trên, việc chạy đều chân ga và hạn chế phanh chính là nhằm duy trì tốc độ xe luôn giữ được ổn định nhất có thể, từ đó tốc độ trung bình của hành trình sẽ cao hơn nhiều so với cách chạy phóng nhanh, phanh gấp. Duy trì tốc độ ở đây được hiểu là khả năng giữ tốc độ trong giới hạn mà bạn có thế kiểm soát an toàn. Điều đó có nghĩa là khả năng giữ tốc độ của mỗi người cũng sẽ khác nhau và tốc độ trung bình cũng khác nhau tùy thuộc vào khả năng lái xe.


Chạy đều ga và giữ khoảng cách ổn định với các xe đi sau, thông báo ngay mọi vấn đề bạn gặp cho xe phía sau

Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi với rất nhiều các chuyến đi thành đoàn nhiều xe, do kĩ năng lái xe khác nhau mà khả năng giữ tốc độ cũng khác nhau. Sẽ nguy hiểm cho chính mình nếu khi đó bạn đã vượt qua khả năng có thể kiểm soát xe an toàn và nguy cơ mất lái khi vào cua là rất cao. Lời khuyên của chúng tôi là “đừng cố”, luôn tỉnh táo và đánh giá đúng khả năng lái xe của mình. Chẳng có gì phải xấu hổ nếu bạn tới đích sau người khác vài chục phút nhưng chuyến đi sẽ trở thành thảm họa nếu xe bạn xảy ra tai nạn, đặc biệt là trên đường đèo.

Lên dốc: 
Về mặt lý thuyết, chiếc xe có công suất động cơ lớn sẽ vượt dốc nhẹ nhàng hơn so với xe có công suất nhỏ. Tuy nhiên, đa số người sử dụng xe hơi tại Việt Nam sở hữu xe con có công suất trung bình hoặc nhỏ. Đừng lo lắng, nếu biết cách, một chiếc Nissan Sunny 1.5 vẫn có thể leo đèo không hề thua kém một chiếc Toyota Camry 2.5. Bí quyết của việc leo đèo chính là “nuôi đà”. Bằng cách nhịp nhàng với chân ga, bạn hãy cố gắng luôn giữ tốc độ không nhỏ hơn 35km/h và vòng tua máy không nhỏ hơn 1500 vòng. Đối với các khúc cua tay áo, tốc độ vào cua buộc phải thấp hơn nhưng vẫn nên giữ tốc độ vòng tua máy, quan sát trước khi vào các khúc cua gấp để không phải dừng tránh xe ngược chiều. Cố gắng không phanh chết xe khi vào cua bởi đối với xe có công suất động cơ nhỏ, việc lấy lại đà giữa dốc là rất vất vả. Nếu không có xe ngược chiều, bạn có thể nới rộng vòng cua ở các khúc cua tay áo để hạn chế thất tốc. Lưu ý nếu đi theo đoàn, nên giãn cách đủ xa để không phải phanh dồn toa bất ngờ.


Xuống dốc: Khi đổ đèo, xe bạn sẽ lao nhanh theo quán tính, xe càng nặng thì quán tính càng lớn, tốc độ lao dốc của bạn sẽ tăng cao nhanh chóng và vượt quá khả năng kiểm soát lái của bạn nếu xe vẫn để chế độ D (số tự động) hoặc các cấp số cao (số sàn). Theo trực giác, bạn sẽ phanh, phanh nhiều và giữ lâu sẽ dẫn đến nhiệt độ má phanh tăng quá cao, khi đó má phanh hóa gốm sẽ gây mất tác dụng phanh.


Phương án tối ưu lúc này là phanh giảm tốc độ và về số thấp (1,2,3 với xe số sàn hoặc D1. D2 hoặc S cấp số thấp với xe số tự động), việc này khiến động cơ xe bạn ghìm lại tốc độ xe và bạn có thể đổ dốc một cách an toàn, dễ dàng kiểm soát lái. Lưu ý luôn duy trì tốc độ ở trong ngưỡng an toàn, tuyệt đối không để xe trôi quá nhanh rồi mới hãm lại, cách chạy như vậy có thể gây hư hại đáng kể đối với hệ thống phanh. Nhiều chuyên mục tư vấn khuyên bạn chỉ sử dụng động cơ để hãm tốc độ xuống dốc (phanh động cơ), điều này không sai nhưng nếu sử dụng quá lâu cũng sẽ làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của lá côn và hộp số. Dựa vào kinh nghiệm thực tế, chúng tôi khuyên bạn nên khéo léo kết hợp giữa việc hãm tốc độ bằng động cơ với số phù hợp (số nhỏ quá sẽ làm gằn máy) và việc phanh nhấp - nhả hỗ trợ giảm tốc. Một lực phanh vừa phải và trong thời gian ngắn sẽ không làm má phanh quá nóng mà vẫn giúp bạn có thể kiểm soát tốc độ an toàn.

Tuyệt đối không sử dụng phanh tay khi đổ dốc, không thay đổi đột ngột tốc độ, không đạp “chết” phanh vì dễ gây mất lái. Trường hợp đường có bùn đất, đá dăm hoặc đường ướt, đi thật chậm và bám vào tâm đường, chạy thận trọng và đều tốc qua các chướng ngại vật. bật đèn cảnh báo hoặc thông báo cho các xe đi sau nếu bạn đi theo đoàn nhiều xe. Trong trường hợp xe bị mất phanh khi đang đổ đèo, sự bình tĩnh và kỹ năng của các bạn sẽ là vị cứu tinh cho chính bạn. Lúc này hãy bình tĩnh chuyển về số thấp nhất có thể, cố gắng điều khiển xe áp sát vào tà luy dương hoặc lao xe vào đường cứu nạn nếu có để hãm tốc độ xe lại.





=> "Mất phanh" thì về vườn mà đuổi ruồi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

About Us

Design by www.thietbikhinen.com