=> Lãnh đạo Việt Nam và mạng xã hội

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Phản ứng của các bí thư Hà Giang, Thanh Hóa trước thông tin trên mạng xã hội được nhà hoạt động và các trí thức đánh giá là “rất nhanh” và “đáng mừng”.
Cuối tuần qua mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền thông tin bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có con riêng và cung cấp tài sản “nhiều chục tỉ đồng” cho một viên chức sở xây dựng Thanh Hóa.

Đồng thời, cư dân mạng cũng chia sẻ cáo buộc rằng tám người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh.

Rất nhanh sau đó, cả ông bí thư Thanh Hóa và Hà Giang đều có trả lời trên báo chí tại Việt Nam về sự việc liên quan đến họ.

Thông thường, các lãnh đạo tại Việt Nam hiếm khi trả lời các tin đồn hoặc thông tin từ mạng xã hội.

Ông Hoàng Văn Dũng, nhà hoạt động của nhóm Con Đường Việt Nam nhận định các vị trên “đã phản ứng rất nhanh với mạng xã hội” và cho rằng “tức là người ta rất quan tâm”.

“Tôi cho rằng cộng đồng mạng có sức mạnh. Chắc chắn là thế, bởi vì những sự kiện nào bên tuyên giáo chỉ định không được đăng thì dù mạng xã hội có lên tiếng đến mấy thì nó cũng chỉ nằm trên mạng xã hội. Chứ còn những sự kiện như ông Triệu Tài Vinh hay ông bí thư Thanh Hóa thì không nằm trong sự kiểm duyệt của Ban tuyên giáo thì người ta sẽ phải phản ứng ngay lập tức,” ông Dũng nói.

FACEBOOK HOANG DUN

Nhà hoạt động Hoàng Văn Dũng của nhóm Con Đường Việt Nam
Nhóm Con đường Việt Nam là một trong những trang lan truyền thông tin về bí thư tỉnh Hà Giang có nhiều người nhà làm quan chức.

Chưa rõ ảnh hưởng
Tuy nhiên, ông Dũng không lạc quan về việc các thông tin này có ảnh hưởng thực sự hay không. Ông nói với BBC: “Ảnh hưởng hay không còn phụ thuộc vào nội bộ người ta. Nội bộ họ đã thống nhất với nhau, hay gọi là thân mến nhau, cùng phe nhau thì rất khó để có ảnh hưởng gì. Nếu họ không cùng phe và có những vấn đề nội bộ thì đây là cơ hội để người ta tìm cách thay đổi nội bộ.”

“Một số độc giả cảm thấy điều đó là bình thường vì không như thế mới lạ. Một bộ phận nhỏ thì thấy bất ngờ vì cho rằng đó là thêm một lần minh chứng nữa chất lượng cán bộ trong Đảng có rất nhiều vấn đề trục trặc đằng sau về tình ái, tài sản, các quan hệ mang tính chất họ hàng của quan chức.”

Nhà hoạt động này nhận định các vụ việc “là ví dụ cho thấy Đảng đang độc quyền lãnh đạo và đang có rất nhiều vấn đề đằng sau.”

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) nhận định sự việc là “dấu hiệu tích cực”.

“Các thông tin trên mạng xã hội có ảnh hưởng đến đời sống và nó buộc các quan chức không thể giữ im lặng, cũng không thể phớt lờ như đã cư xử suốt hàng chục năm qua,” bà Quỳnh nói.

“Nhưng cách phản ứng ngược lại nó cho thấy thay vì chọn một phương thức là công bố hoặc minh bạch thông tin. Thì cách mà ông bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa chọn là bịt miệng. Ông yêu cầu thu hồi tên miền và xử lý các trang thông tin vi phạm. Hướng xử lý này vẫn chưa vượt qua khỏi cái suy nghĩ có thể kiểm soát được mạng xã hội và thông tin”

“Tôi không nghĩ cách phản ứng của ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa là cách hay, minh bạch. Phản ứng của ông bí thư Hà Giang cho người ta thấy một vấn đề sâu hơn. Đó là nếu đúng quy trình thì bí thư không đồng ý bổ nhiệm thì sẽ không có ai đồng ý bổ nhiệm được người nhà ông ấy làm ở các vị trí giữ chức vụ trong cùng một tỉnh,” nhà hoạt động này bình luận về phản ứng của hai lãnh đạo tỉnh.

Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những trí thức nổi tiếng tại Việt Nam nói với BBC ông cho rằng sự phản ứng của các bí thư là “điều đáng mừng”.


Tranh cãi về gia đình bí thư tỉnh Hà Giang bắt đầu từ trên mạng

Ông nói: “Tiếng nói của dân chúng, đặc biệt trong thời của chúng ta, mạng xã hội, không ai ngăn nó được cả.”

“Người ta phản ứng với những hiện tượng xấu trong xã hội, đặc biệt là trong những người có trách nhiệm lãnh đạo. Đã đến lúc thông tin đó giờ lan rộng lắm.”

“Người ta không chỉ đọc trên báo chí. Thậm chí theo tôi biết những người có điều kiện không quan tâm đến báo chí công khai hàng ngày nhiều. Ở đấy chẳng có thông tin gì đáng để mà đọc cả. Và người ta đọc trên mạng xã hội nhiều. Áp lực đó buộc quan chức phải tìm cách trả lời và thanh minh. Nó chứng tỏ rằng mặc dầu sự xiết chặt trở lại nhưng không gian tự do vẫn đang dần được nống ra [mở rộng ra].”

Cơ hội để nhà báo lên tiếng?
Trong hai vụ việc tin đồn này, các tờ báo tại Việt Nam trở thành nơi “thanh minh” và lên tiếng của hai bí thư tỉnh ủy. Nhiều tờ báo trích lời ông Trịnh Văn Chiến và ông Triệu Tài Vinh về những vấn đề họ bị cư dân mạng nhắc đến.

“Điều này làm cho những nhà báo chính thống có thể nói về tin đồn một cách chính thức trên mặt báo,” nhà hoạt động Như Quỳnh nói.

“Việc tung một tin đồn từ một trang không rõ, rồi toàn bộ báo chí phải chạy đi xác minh tin đồn, rồi có công văn về tin đồn. Nó cho thấy một nỗ lực dập tắt đám cháy, nhưng đám cháy ấy sẽ lan ra các tỉnh thành khác không sớm hoặc muộn.”

Bà Như Quỳnh gọi đây là “cơ hội xác minh một tin đồn trên trang báo chính thống”.

“Là một nhà hoạt động tôi lại thấy rằng bất cứ thông tin nào có dấu hiệu sai phạm, đặc biệt là sai phạm tham nhũng, lạm quyền suốt mấy chục năm qua, được đưa ra đều tốt hết. Thứ nhất là tốt cho nhận thức người dân. Thứ hai là rồi sẽ phải thay đổi chứ không thể giữ mãi cơ chế ấy được nếu người dân phát hiện được thông tin và lên tiếng. ”

Nhà văn Nguyên Ngọc nói báo công khai tại Việt Nam “rất đáng buồn”.

Nhà văn Nguyên Ngọc (phải) trong một cuộc tuần hành ôn hòa năm 2014

“Nếu tình hình vẫn tiếp tục phát triển như thế, đến lúc báo chí công khai sẽ phải tìm đến cách khác. Và thực ra với sự o ép mà chúng ta biết, ngay trên báo chí công khai một số nhà báo vẫn tìm cách này cách khác để nói đến một mức độ nào đó để biểu lộ ý kiến của người ta, hoặc tình hình xã hội ở mức độ nào đó trên báo chí công khai.”

“Xã hội vừa bị siết chặt trở lại, thậm chí các mảng tự do, thậm chí những mảng tự do ngay trên báo chí công khai cũng được nống ra dần dần từng chút một. Tất nhiên là ít hơn rất nhiều và khó khăn hơn rất nhiều. ”

“Tôi biết có rất nhiều nhà báo còn có lương tâm. Họ buộc phải giữ cái diễn đàn đó. Họ phải giữ gìn, nhưng vẫn tìm cách này cách khác để phản ánh dư luận xã hội, ” nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc bình luận.

Ông Nguyên Ngọc nhắc đến trải nghiệm của chính bản thân: “Vừa rồi tôi có nói một số ý kiến về những điều đáng lo ở Tây Nguyên. Một số báo công khai cũng tìm cách đưa lại ý kiến đó. Cách đây vài năm thậm chí họ không dám nhắc đến tên tôi đâu. Vẫn còn những người làm báo có lương tâm trong tình trạng o ép, để họ đưa thông tin đến người đọc.”

Nhà văn Nguyên Ngọc thừa nhận thông tin “đấu đá nội bộ” là rất nhiều nhưng vẫn “đưa tác động tốt”

“Khi các phe phái đánh nhau, thì có một điều là nó phơi thông tin đó ra cho mọi người. Độc giả bây giờ tinh lắm. Người ta thấy các thế lực đánh nhau thế nào. Nhân dân biết được là rất tốt. ”

“Họ [người dân] biết như thế và họ mất lòng tin đi. Họ không còn tin những thế lực đó nữa. Khi những thế lực đó tìm cách mị dân, dụ dỗ họ. Tôi thấy vậy cũng được. Còn tình trạng thông tin đấu đá nội bộ mình không thể nói là không có. Cái tốt, xấu ở chỗ nào cũng có.”

“Cuộc giằng co này còn kéo dài lắm,” ông Nguyên Ngọc bình luận về những gì đang diễn ra.

Lan Phương (BBC Tiếng Việt)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

About Us

Design by www.thietbikhinen.com