Sẽ thật khó có thể tập trung hoàn toàn số vốn thu được từ
việc bán hết cổ phần các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn để tái đầu tư vào nền
kinh tế, khi mà chúng ta vẫn chưa thể có giải pháp triệt để đối với những dự án
làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỉ và ngửa tay xin hỗ trợ từ phía Chính phủ như những
con đỉa sống bám vào nền kinh tế.
Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất xung quanh việc chính phủ thoái hết vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco,… là việc số tiền lên tới hàng tỉ USD thu về đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía chính phủ, dù mục tiêu cơ bản được định hình là sẽ được sử dụng để tái đầu tư vào nền kinh tế. Điều này có thể dẫn tới một mặt trái khác của khu vực kinh tế quốc doanh, đó là xu hướng ngày càng có nhiều DNNN thua lỗ và xin hỗ trợ về tài chính và cơ chế từ phía chính phủ để tiếp tục tồn tại.
Sẽ có không ít người cảm thấy ngỡ ngàng trước khoản tiền mà chính phủ có thể thu về từ việc thoái hết vốn khỏi 10-12 DNNN lớn trong năm nay và đầu năm sau, theo dự kiến có thể lên tới hơn 10 tỉ USD. Nhưng sẽ có không nhiều người biết được rằng hiện có bao nhiêu DNNN và các dự án đầu tư của những doanh nghiệp này đang thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng và ngửa tay xin sự hỗ trợ về tài chính và cơ chế từ phía chính phủ.
Cứ mỗi ngày, mỗi tuần trôi qua cả xã hội lại biết thêm về hàng loạt những con số lên tới cả ngàn tỉ đồng có thể bị mất trắng trong những dự án đầu tư thuộc đủ mọi lĩnh vực của nhiều DNNN. Những trường hợp điển hình nhất có thể kể đến dự án Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sơ xợi Đình Vũ hay gần đây nhất là dự án Đạm Ninh Bình. Điểm chung của tất cả những dự án này là số tiền đầu tư khủng, nhưng nhanh chóng thua lỗ chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động hoặc thậm chí còn không thể đi vào hoạt động do chưa hoàn tất xây dựng, và giờ đây đều đang nài nỉ sự hỗ trợ từ phía chính phủ về vốn và cơ chế để tiếp tục tồn tại một cách vật vờ.
Chỉ tính riêng những con số thất thoát và thua lỗ tại một vài dự án điển hình kể trên, cũng đã là một số tiền khổng lồ cho hậu quả mà những con đỉa cỡ bự này gây ra. Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) có vốn đầu tư lên tới 8.100 tỉ đồng hiện vẫn chưa thể đi vào vận hành và có nguy cơ biến thành một đống sắt vụn, Nhà máy sơ xợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng) và tính đến thời điểm giữa tháng 7.2016 thì tổng mức lỗ lũy kế đã lên tới hơn 3.000 tỉ đồng (theo Baodautu).
Điều tương tự cũng diễn ra đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 667 triệu USD (tương đương gần 15.000 tỉ đồng), nhưng kể từ khi đi vào hoạt động cho đến cuối tháng 6.2016 nhà máy đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỉ đồng, còn nợ tính đến cuối năm 2015 là hơn 8.300 tỉ đồng (theo CafeF). Tổng vốn đầu tư và mức thua lỗ của ba dự án điển hình này cũng đã lên tới trên 1 tỉ USD, chưa kể các khoản nợ lũy kế mà ngân sách vẫn đang phải còng lưng ra trả, do hầu hết các dự án này đều thuộc các DNNN lớn và phần lớn đều nằm trong diện được chính phủ bảo lãnh.
Sự hỗ trợ mà các dự án này muốn xin cũng muôn hình vạn trạng, nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung duy nhất, đó là níu kéo sự tồn tại của dự án bằng cách hà hơi tiếp sức về vốn và cơ chế như những liều thuốc tăng lực thay vì nhìn thẳng vào nguyên nhân của sự thất bại và thua lỗ.
Trong trường hợp của Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), lý do được doanh nghiệp này đưa ra bào chữa cho việc chậm hoàn thành và vốn đầu tư tăng lên so với dự kiến là vì thiếu vốn. Nhưng, ngoài việc xin cấp thêm vốn để hoàn thành dự án, thì doanh nghiệp này cũng không quên xin thêm được miễn giảm một số loại thuế, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian vay ở các ngân hàng, áp dụng hình thức chỉ định thầu,… (theo Dantri).
Việc một nhà máy vẫn đang trong quá trình thi công và chưa đi vào hoạt động đang phải xin cấp thêm vốn lại đòi hỏi những ưu đãi về miễn giảm thuế có thể xem là một điều bất thường, cho thấy ngay cả doanh nghiệp cũng không tự tin về hiệu quả kinh tế của dự án kể cả khi được tiếp thêm vốn để hoàn tất thi công và đi vào hoạt động.
Điều tương tự cũng diễn ra trong hai dự án đình đám còn lại là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ và Đạm Ninh Bình, dù có sự khác biệt nhất định về nội dung xin hỗ trợ. Trong trường hợp xơ sợi Đình Vũ, doanh nghiệp này ngoài yêu cầu được miễn giảm một số loại thuế và chi phí năng lượng, thì còn đòi hỏi buộc các doanh nghiệp dệt may trong nước phải tăng mua sản phẩm của nhà máy, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm xơ sợi polyester nhập khẩu, dù công ty này cũng thừa nhận rằng những đề xuất như trên hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước (theo Tuoitre).
Trường hợp của Đạm Ninh Bình bớt quá đáng hơn một chút, khi chỉ đề xuất được giãn nợ và được phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm hạn chế nhập khẩu giá rẻ vốn là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho dự án trong thời gian vừa qua (theo CafeF).
Điểm chung của các dự án thua lỗ ngàn tỉ kể trên là không thể tự mình tồn tại và đều hoạt động do sự yếu kém về công nghệ, tính toán sai lầm về giá cả, phương thức hoạt động, dẫn đến sản phẩm có chất lượng kém nhưng giá thành lại quá cao, không thể cạnh tranh độc lập trên thị trường. Nó dẫn tới việc các dự án này đều đòi hỏi những ưu đãi theo kiểu “không công bằng”, thay vì xin những hỗ trợ cần thiết cải thiện công nghệ và sản xuất để đảm bảo sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh độc lập trên thị trường, thì những dự án này đều xin những ưu đãi về thuế để giảm giá thành sản phẩm của mình theo một cách không lành mạnh, thậm chí xin áp hạn ngạch nhập khẩu để hạn chế bị cạnh tranh.
Nếu không nhanh chóng có những biện pháp loại bỏ những con đỉa khổng lồ này, thì dù nhà nước thu được bao nhiêu tiền từ việc thoái hết vốn khỏi các DNNN lớn cũng sẽ là vô nghĩa.
Thủ tướng đã kiên quyết không tiếp thêm vốn và hỗ trợ cho dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhưng quan trọng hơn là cần làm điều tương tự với tất cả những dự án thuộc diện ký sinh tương tự trong nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.
Theo Một Thế Giới
0 nhận xét:
Đăng nhận xét